Thông tư 03 hướng dẫn nghị định 161

Sáng ngày 15/8, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Vụ/ Ban Tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo và chuyên viên Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban/Phòng Tổ chức cán bộ các Ban của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện lãnh đạo đơn vị và đại diện lãnh đạo Phòng/Ban Tổ chức cán bộ các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.

Ông Trương Hải Long phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long trình bày những điểm mới của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Thông tư 03/2019/TT-BNV.

Theo đó, tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung 19 nội dung của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; 20 nội dung của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP và 05 nội dung của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP. Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã kịp thời thể chế hóa một số giải pháp được đề ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; đồng thời đã nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển công chứ, viên chức, thi nâng ngạch công chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo mặt bằng chung về trình độ, năng lực của công chức giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch; đẩy mạnh phân cấp cho bộ, ngành, địa phương.

Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. Quy định này để đảm bảo phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục đại học về việc không quy định phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, cơ sở đào tạo. Chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức. Theo đó, điểm ưu tiên được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

Bên cạnh đó, quy định nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Theo đó, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng: vòng 1, thi trắc nghiệm trên máy vi tính; vòng 2, thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cũng phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền. Quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng đặc cách công chức cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Quy định thống nhất thời gian tập sự đối với viên chức phù hợp với trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp viên chức được tuyển dụng để đảm bảo thống nhất giữa các lĩnh vực sự nghiệp.

Đáng lưu ý, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức; tiếp tục đẩy mạnh việc phân công, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quyết định hình thức thi, quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển…; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức…

Quang cảnh Hội nghị

Đối với Thông tư số 03/2019/TT-BNV, ông Trương Hải Long cho biết, Thông tư được ban hành nhằm thực hiện các nội dung được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nội dung quy định trong các Thông tư do Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền trước đó có quy định liên quan đến việc tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Theo đó, Thông tư số 03/2019/TT-BNV đã sửa đổi, bổ sung 07 nội dung của Thông tư số 13/2010/TT-BNV; sửa đổi, bổ sung 07 nội dung của Thông tư số 12/2012/TT-BNV; sửa đổi, bổ sung 04 nội dung của Thông tư số 15/2012/TT-BNV; sửa đổi, bổ sung 03 nội dung của Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP.

Cùng với đó, Thông tư số 03/2019/TT-BNV ban hành kèm theo 02 Quy chế, 01 Nội quy và 03 Mẫu hợp đồng làm việc, cụ thể: Quy chế tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Nội quy kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Mẫu hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng làm việc xác định thời hạn (dành cho đối tượng dưới 18 tuổi) và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Những nội dung mới quy định trong Quy chế, Nội quy kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã quy định cụ thể trách nhiệm của thành viên tham gia Hội đồng, thành viên tham gia các Ban giúp việc của Hội đồng thi; quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng đề thi, coi thi, làm phách, chấm thi, chấm phúc khảo; quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý vi phạm đối với thành viên tham gia Hội đồng thi, thành viên các Ban giúp việc của Hội đồng thi, của thí sinh dự thi và của các cá nhân được cử làm thành viên Ban giám sát thi. Những nội dung mới này sẽ góp phần làm cho kỳ thi được tổ chức công khai, minh bạch, khách quan và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong từng công đoạn tổ chức kỳ thi, hạn chế các tiêu cực làm ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi.

Ông Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Chuyên viên chính Vụ Công chức – Viên chức cho biết, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2019, sau một thời gian thực hiện, đã có một số khó khăn, vướng mắc, Bộ Nội vụ đã tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và trao đổi tại Hội nghị theo nhóm vấn đề.

Thứ nhất, về tuyển dụng công chức, viên chức, trong có các vấn đề liên quan đến Phiếu đăng ký dự tuyển; Hội đồng tuyển dụng; trình tự, thủ tục tuyển dụng công chức; về công nhận kết quả trúng tuyển trong trường hợp phát sinh nhu cầu tuyển dụng mới; về tiếp nhận không qua thi tuyển vào làm công chức; về tiếp nhận để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; về xét chuyển cán bộ cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên…

Thứ hai, về thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó những vấn đề được các bộ, ngành, địa phương quan tâm như: về thẩm quyền tổ chức thi/ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; về tổ chức thi/ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn, điều kiện về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch công chưc; tiêu chuẩn, điều kiện xác định thời hạn đánh giá, phân loại đối với viên chức để dự thăng hạng.

Thứ ba, về thực hiện các Quy chế, Nội quy kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, các bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm đến các nội dung như về thành lập các Ban giúp việc của Hội đồng thi; về công tác xây dựng đề thi tuyển dụng công chức, viên chức; về xử lý kết quả chấm thi quy định tại Điều 25 Quy chế tổ chức thi; về xử lý điểm chấm phúc khảo quy định tại Khoản 8 Điều 26 Quy chế tổ chức thi…

Thứ tư, về thực hiện chế độ hợp đồng lao động, trong đó lưu ý về đối tượng không thực hiện ký hợp đồng lao động; về chế độ lương khi chuyển sang thực hiện hợp đồng lao động; về nguồn kinh phí chi trả thực hiện hợp đồng lao động; về bảo hiểm xã hội đối với lao động hợp đồng…

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, giải đáp những bất cập, những vướng mắc cụ thể tại các bộ, ngành, địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2019/TT-BNV.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu hết sức nghiêm túc, sôi nổi đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hội nghị đã tiếp nhận nhiều ý kiến của đại biểu, tuy nhiên, trong thời gian một buổi chưa thể giải đáp hết các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến, phản ánh những vấn đề bất cập về Bộ Nội vụ thông qua Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ để Bộ Nội vụ nghiên cứu trả lời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập./.